TP HCMĐóng bảo hiểm xã hội (BHXH) hơn 14 năm nhưng chị Nguyễn Minh Ga, 52 tuổi, dự định cuối năm sẽ nghỉ việc về quê bởi khó kham nổi công việc ở nhà máy.
Vợ chồng chị Ga cùng sinh năm 1970, đều là công nhân lâu năm của Công ty TNHH Nidec Việt Nam ở Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức). Do vừa đổi ca nên tuần này vợ chồng chị chuyển sang làm đêm, bắt đầu từ 19h đến 4h30 sáng hôm sau, làm thêm đến 7h; tổng thời gian làm việc 12 tiếng. Tổng thu nhập mỗi tháng của anh chị được khoảng 25 triệu đồng.
Nữ công nhân nói rằng đã giữ nhịp làm việc như vậy gần 15 năm qua. Với chị tăng ca là cách duy nhất để thêm thu nhập. Gần 20 năm trước, vợ chồng chị đưa hai con rời Cà Mau lên TP HCM mưu sinh. Sau khi trải qua một vài công ty, anh chị quyết định gắn bó với nhà máy Nidec Việt Nam với lý do doanh nghiệp thường xuyên tổ chức làm ngoài giờ.
“Lúc còn trẻ dốc sức làm để nuôi con, giờ có tuổi tay chân chậm chạp, mắt kém, khó lòng theo nổi”, nữ công nhân nói. Để đảm bảo năng suất cho chuyền, chị Ga phải chuyển sang bộ phận khác, thao tác đơn giản hơn. Tuy nhiên, công việc mới buộc chị phải đứng suốt thời gian làm. Sau gần một năm ở vị trí mới, hai chân của chị thường sưng vù, có dấu hiệu giãn tĩnh mạch, rất khó làm việc lâu dài.
Theo quy định hiện hành, tuổi hưu của chị Ga là 57 tuổi 4 tháng, tức chị cần làm việc thêm 5 năm nữa và chồng chị phải làm thêm 10 năm để đạt tuổi 62. “Như vậy là quá lâu”, chị Ga nói và cho rằng với người sắp hết sức lao động, việc hạ năm đóng BHXH xuống 15 năm “không có ý nghĩa” bởi vẫn phải chờ đến tuổi mới được lãnh lương hưu. Do đó, vợ chồng chị sẽ nghỉ việc và rút BHXH một lần. Với số tiền dự kiến hơn 200 triệu đồng, anh chị sẽ về Cà Mau làm nhà, góp vốn nuôi tôm.
Bài toán của vợ chồng chị Ga không phải là cá biệt ở nhà máy Nidec Việt Nam. Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch công đoàn công ty, nói quy định giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm, tiến tới 10 năm để nhận lương hưu mới là dự thảo nhưng “công nhân rất hoang mang”. Với lao động trực tiếp sản xuất, tuổi nghề chỉ kéo dài đến 40-45 tuổi. Tại Nidec, một số lao động lớn tuổi sẽ được bố trí làm các công việc đơn giản, phù hợp sức khỏe. Người có kỹ năng sẽ được cân nhắc lên làm quản lý. Tuy nhiên, khá nhiều người chọn rời nhà máy vì không đáp ứng nổi thời gian làm việc.
“Nếu không tìm được việc làm khác, họ phải chờ 15-20 năm nữa để lãnh lương hưu. Đó là lo lắng lớn nhất của công nhân”, ông Hồng nói.
Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban chính sách pháp luật (Liên đoàn lao động TP HCM), cho rằng thực tế tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu của nhiều nhóm lao động, đặc biệt khối trực tiếp sản xuất cách khá xa nhau, có khi lên đến 10-20 năm.
Khảo sát của công đoàn thành phố về đời sống, việc làm nữ công nhân ngành may cho thấy, độ tuổi trung bình của nhóm này chỉ 34,4. Trong đó, 74% ở độ tuổi 23 đến dưới 42, chỉ 18% ngoài 43 tuổi đang làm việc. Hơn 60% của 1.300 công nhân thâm gia khảo sát cho biết sẽ rút BHXH một lần vì không thể tiếp tục tham gia, sợ chính sách thay đổi và có tiền phụ giúp gia đình…
Quy định mới nhất tại Bộ Luật lao động (năm 2019), tuổi hưu sẽ tăng dần 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và 60 tuổi với nữ vào năm 2035. Theo ông Đô, nếu giảm năm đóng BHXH tối thiểu xuống 15 năm và tiến tới 10 năm, người lao động sẽ có cảm giác thời gian chờ được nhận lương hưu càng xa.
Cùng quan điểm, ông Đặng Tấn Đạt, Phó ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn lao động Bình Dương), cho rằng công nhân trực tiếp sản xuất tuổi ngoài 40, nếu thất nghiệp, cơ hội tìm được việc làm mới, tiếp tục đóng BHXH bắt buộc rất khó. Trường hợp đã đủ số năm tham gia bảo hiểm ở mức tối thiểu, họ phải bảo lưu quá trình đóng, không được “rút một cục” mà phải chờ đủ tuổi để nhận lương hưu.
Khi tuổi hưu tăng lên, thời gian chờ của người lao động càng kéo dài, có khi đến 20 năm; nếu hạ mức đóng tối thiểu xuống thời gian chờ sẽ lâu hơn. “Điều này quá sức chịu đựng với nhiều công nhân”, ông Đạt nói. Do đó, nhiều người tính phương án nghỉ trước một năm để đủ điều kiện rút một lần. Ví dụ nếu mức đóng tối thiểu 20 năm, 19 năm họ sẽ nghỉ việc. Nếu hạ xuống 15 năm hay 10 năm, công nhân sẽ tiếp tục chẻ nhỏ quá trình để nhận trợ cấp một lần.
“Để công nhân tiếp cận được lương hưu thì không chỉ hạ năm đóng, chính sách cần có những hỗ trợ nhất định”, ông Đạt đề nghị. Với những trường hợp không thể quay lại thị trường lao động, làm các công việc thu nhập bấp bênh, có xác nhận của địa phương thuộc diện khó khăn thì trong thời gian chờ hưu, BHXH cần có những hỗ trợ nhất định. Mức trợ cấp có thể theo lãi suất tiền gửi ngân hàng, lãi đầu tư của quỹ bảo hiểm hoặc cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.
Ngoài ra, ông Đạt cho rằng chính sách cũng cần tính đến một số ngành nghề đặc thù để giải quyết chế độ hưu sớm. Đơn cử với trường hợp người lao động đã đóng BHXH đủ hoặc vượt thời gian quy định nhưng chưa đến tuổi hưu. Nếu họ chứng minh được rằng đã tìm mọi cách nhưng vẫn không có việc làm mới, BHXH nên xem xét giải quyết trợ cấp trước hưu hàng tháng với tỷ lệ hợp lý.
Trong khi đó, ông Lưu Kim Hồng cho rằng những công nhân 40-45 hết tuổi nghề là hệ quả của mô hình kinh tế thâm dụng lao động nhưng lại bị “lọt sổ” khi điều chỉnh tuổi hưu. Vì vậy để hỗ trợ cho nhóm này, nhà nước cần sớm đẩy mạnh các chương trình chuyển đổi nghề nghiệp, giới thiệu công việc phù hợp để họ có thu nhập ổn định, tiếp tục tham gia BHXH. Chính sách nên ưu đãi với những doanh nghiệp tuyển dụng lao động từ 40 tuổi trở lên.