Trở về từ chuyến trao đổi sáu tháng ở Bỉ, Ngân quyết tâm xin học bổng thạc sĩ châu Âu khi đang là sinh viên năm ba Đại học Ngoại thương.
Trần Thị Ngân tốt nghiệp xuất sắc ngành Kinh tế Đối ngoại, Đại học Ngoại thương Hà Nội, hồi tháng 1. Trước đó, nữ sinh quê Lạng Sơn trúng 5 học bổng toàn phần bậc thạc sĩ ở châu Âu khi chưa có bằng đại học, gồm học bổng Erasmus Mundus của Uỷ ban Liên minh châu Âu, Eiffel Excellence của Chính phủ Pháp, France Excellence của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, International Excellence của Đại học Padova, Italy và Đại học Wageningen University, Hà Lan.
Tháng 9 tới, Ngân sang Đức du học Đại học Bonn, với học bổng danh giá nhất châu Âu, Erasmus Mundus (EM), trị giá 49.000 euro (1,2 tỷ đồng).
Thầy Lê Thái Phong, trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngoại thương, là người đã viết thư giới thiệu Ngân xin học bổng. Từng hướng dẫn Ngân nghiên cứu khoa học, thầy Phong “không bất ngờ với kết quả này” và tin Ngân sẽ có những bước tiến và thành công đáng được ghi nhận trong tương lai.
Năm 2020, khi đang là sinh viên năm ba, Ngân học trao đổi ở Bỉ 6 tháng với học bổng Erasmus +. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, em chưa có cơ hội đi nhiều nơi, khám phá cuộc sống và văn hóa của các quốc gia châu Âu. Vì thế, Ngân quyết tâm xin học bổng thạc sĩ EM để trở lại đây.
EM là học bổng mang tính cạnh tranh cao do chấp nhận hồ sơ của ứng viên ở bất kỳ ngành nào, từ bất kỳ nước nào trong và ngoài Liên minh châu Âu. Đây là học bổng tài năng dành cho những sinh viên có thành tích xuất sắc và phù hợp với chương trình nhất. Ứng viên được nhận có cơ hội học tập tại ít nhất hai đại học ở hai quốc gia châu Âu và không ràng buộc về nơi làm việc sau tốt nghiệp.
Cựu sinh viên Ngoại thương cho hay, đường đến châu Âu của em thuận lợi là nhờ nghiên cứu kỹ tính chất từng học bổng và cách chuẩn bị hồ sơ thông minh. Thay vì lao vào ôn thi IELTS, Ngân liệt kê những học bổng muốn nộp để xác định yêu cầu là gì và tìm hiểu các điểm chung để chỉ tốn thời gian, công sức chuẩn bị một lần.
Tiêu chí của Ngân là học bổng dạng merit-based (được trao dựa trên thành tích học tập hoặc năng khiếu đặc biệt, khả năng lãnh đạo, điểm SAT…), ở châu Âu và chưa yêu cầu ngay bằng tốt nghiệp đại học.
Xác định được loại học bổng, nữ sinh bắt đầu tập trung vào chứng chỉ tiếng Anh, nghiên cứu khoa học và các hoạt động ngoại khóa. Lúc nộp hồ sơ, Ngân có GPA 3.84/4.0, IELTS 6.5 và là khối trưởng khối Kinh tế Đối ngoại của trường.
Theo Ngân, các quỹ học bổng của châu Âu đều muốn sinh viên giỏi và có xu hướng thích những ứng viên tham gia, có đóng góp lại cho khu vực chung đó.
“Nếu không có GPA cao, ứng viên cần sở hữu các chứng chỉ học thuật khác. Ngoài ra, khả năng hòa nhập với cuộc sống và học tập tại đây cũng là yêu cầu được các học bổng chú trọng”, nữ sinh 22 tuổi chia sẻ.
Nắm được tính chất học bổng, Ngân nhắm tới hoạt động đóng góp cho cộng đồng chung châu Âu như tham gia Study in Europe của phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam. Phái đoàn đứng ra tổ chức sự kiện cho các đại sứ quán châu Âu tại Việt Nam để thu hút học sinh đến quốc gia họ học tập và Ngân hỗ trợ họ điều phối gian hàng. Em cũng dự nhiều hội thảo của Đại học Ngoại thương với trường đối tác tham gia EM.
Ngân thích EM vì có mạng lưới mạnh và lợi thế xin visa sau khi tốt nghiệp. Theo Ngân, điểm mạnh trong hồ sơ của em chính là từng nhận học bổng Erasmus + và sự phù hợp giữa CV (hồ sơ) với thư động lực. Thư động lực là nơi trình bày thế mạnh còn CV đưa ra bằng chứng.
“Nếu trong thư nói sẽ có đóng góp cho trường với mạng lưới đang xây dựng, CV phải thể hiện được em từng tham gia các tổ chức sinh viên nào, mentor (cố vấn) của bao nhiêu học sinh, làm khối trưởng khối Kinh tế Đối ngoại của Đại học Ngoại thương bao nhiêu năm…”, Ngân phân tích.
Ngân cho rằng việc xin học bổng thành công hay không phụ thuộc 40% vào bài luận. “Học bổng Pháp yêu cầu viết thư động lực và kế hoạch nghề nghiệp thành hai bài khác nhau, trong khi EM muốn bài luận 300 chữ”, Ngân nói.
Khác với học bổng Mỹ cần sự sáng tạo, kể câu chuyện mới mẻ, châu Âu thích phong cách đi thẳng vấn đề và trả lời câu hỏi họ quan tâm.
Lúc chuẩn bị hồ sơ, Ngân đang làm cho một công ty xuất nhập khẩu nông sản. Công ty của Ngân xuất khẩu hạt điều nhưng gặp khó khăn khi đưa sản phẩm vào thị trường châu Âu. Sản phẩm xuất khẩu ở dạng thô, giá trị gia tăng thấp, lợi nhuận chưa cao do có rào cản về thương hiệu và chuỗi cung ứng quốc tế. Ngân dùng chính câu chuyện đi làm, trải nghiệm thực tế nhận ra trong công việc làm chủ đề bài luận. Ở mỗi chương trình, bài luận sẽ được thay đổi để phù hợp với từng yêu cầu.
“Muốn phát triển chuỗi cung ứng tới châu Âu, em phải hiểu được thị trường. Các chương trình học bổng sẽ giúp em nghiên cứu và tìm hiểu rõ hơn việc này”, Ngân giải thích.
Với những ứng viên muốn đi học ở châu Âu, nữ sinh khuyên cần xác định sớm học bổng nào, tích cực tham gia hoạt động của phái đoàn Liên minh châu Âu ở Việt Nam và thể hiện mình thích nghi tốt bằng cách học ngôn ngữ của nước muốn tới du học.
“Mỗi quỹ học bổng đều có những mục tiêu riêng mà hội đồng học bổng không công khai cho bạn. Bí kíp là hãy biến mình trở thành một người phù hợp bằng cách ‘đọc vị’ được những điều mà người ta đang tìm kiếm”, Ngân nói.
Ngoài tiếng Anh và tiếng Pháp, Ngân đang tích cực học thêm tiếng Đức để chuẩn bị cho hành trình sắp tới.