Tổng thống Ukraine hoài nghi cam kết của chính phủ Đức, khi nhiều khí tài hiện đại mà Berlin hứa hẹn chưa được chuyển cho Kiev.
“Tất cả lãnh đạo của các nước đối tác, trong đó có Thủ tướng Đức, hiểu rõ những gì Ukraine cần. Vấn đề là những đợt viện trợ vũ khí từ Đức vẫn không được như kỳ vọng”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói trong cuộc phỏng vấn đăng trên tờ Die Zeit hôm 15/6.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz từng cam kết sẽ cung cấp cho Ukraine những vũ khí “đẳng cấp thế giới” như pháo tự hành, pháo phản lực phóng loạt và tổ hợp phòng không có thể giúp bảo vệ “thành phố lớn” trước các cuộc không kích của lực lượng Nga.
Tuy nhiên, Đức đến nay chưa chuyển giao những khí tài hiện đại như vậy cho Ukraine, khiến lòng tin của Kiev và các đồng minh với chính quyền Thủ tướng Scholz đang dần suy giảm. Tổng thống Zelensky nhiều khả năng sẽ gia tăng áp lực khi Thủ tướng Scholz dự kiến thăm Kiev ngày 16/6.
Tổng thống Zelensky cũng kêu gọi Đức “không tìm cách cân bằng quan hệ với Nga và Ukraine”, ám chỉ đây là lý do khiến chính quyền Thủ tướng Scholz chưa thực hiện những đợt chuyển giao vũ khí hiện đại.
Thủ tướng Scholz bác bỏ cáo buộc trì hoãn cung cấp vũ khí, tuyên bố Đức “sẽ chuyển giao toàn bộ những khí tài đã cam kết”, nhưng không ấn định mốc thời gian cụ thể.
Ông cho biết Đức đã liên tục chuyển giao vũ khí hỗ trợ Ukraine kể từ khi chiến sự nổ ra tại nước này hôm 24/2, trong đó có 15 triệu viên đạn, 100.000 lựu đạn và hơn 5.000 quả mìn chống tăng.
Lãnh đạo Đức cũng nhấn mạnh không có lý do gì để chuyển những hệ thống vũ khí hiện đại, phức tạp trước khi huấn luyện binh sĩ Ukraine vận hành chúng. “Tôi cho rằng bất kỳ ai cũng cần suy nghĩ kỹ trước khi bày tỏ quan điểm”, Thủ tướng Scholz cho hay.
Giới phân tích cho rằng nỗi hoài nghi của Ukraine với cam kết của Đức là có cơ sở, bởi chính quyền Thủ tướng Scholz từng phản ứng chậm chạp hơn nhiều so với các đồng minh như Mỹ và Anh khi chiến sự bùng phát tại Ukraine.
Marina Henke, giám đốc Trung tâm An ninh Quốc tế tại Trường Quản lý Hertie ở Đức, cho rằng vấn đề là Berlin vẫn “bối rối” trong cách ứng phó với Moskva.
“Không có sự chỉ đạo rõ ràng. Mỹ, Anh và các nước Đông Âu đều thể hiện thái độ đối địch với Nga và chủ động cung cấp vũ khí cho Ukraine. Trong khi đó, Đức vẫn coi Nga là quốc gia láng giềng khổng lồ và mọi hành động đều cần tính tới khả năng hai nước chung sống lâu dài. Điều này khiến những cam kết viện trợ vũ khí lớn đều bị kìm chân”, bà nói.
Marcel Dirsus, chuyên gia ở Viện Chính sách An ninh thuộc Đại học Kiel, cho rằng chính phủ Đức đang áp dụng cách tiếp cận trung dung. “Họ hành động đủ để tránh những chỉ trích dữ dội nhất, nhưng cũng không có ý định làm nhiều hơn thế. Đây gần như là động thái cố gắng làm ít nhất có thể”, ông nêu quan điểm.
Thủ tướng Scholz hôm 1/6 tuyên bố sẽ cung cấp các hệ thống phòng không IRIS-T hiện đại nhất trong biên chế cho Kiev, cùng với đó là hệ thống pháo phản lực phóng loạt Mars II.
Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cảnh báo sẽ mất nhiều tháng trước khi loại vũ khí này có thể hiện diện tại Ukraine. Các hệ thống Mars II dự kiến được chuyển giao trong tháng 8-9, nhưng với điều kiện binh sĩ Ukraine được huấn luyện sử dụng chúng từ trước.
Quá trình bàn giao xe phòng không tự hành Gepard cho Ukraine, vốn được Đức hứa hẹn hồi tháng 4, cũng bị chậm ít nhất vài tháng do thiếu đạn. 7 hệ thống pháo tự hành Pzh 2000 cũng đang phải chờ đợi binh sĩ Ukraine hoàn thành khóa huấn luyện.
Ngoài Ukraine, nhiều nước đồng minh NATO cũng chỉ trích Đức không tuân thủ những cam kết cung cấp khí tài để viện trợ Ukraine.
Ba Lan cáo buộc Đức không cung cấp xe tăng chủ lực Leopard cho Warsaw để bù đắp khoảng trống sau khi nước này chuyển hàng chục xe T-72 cho Ukraine. Cộng hòa Czech cũng đang chờ đợi thỏa thuận tương tự.