Theo thống kê, người dùng MXH Việt Nam trung bình dành hơn 28 phút để sử dụng mạng. Trong đó, Tiktok là nền tảng xã hội có tốc độ người dùng tăng cao trong những năm gần đây. Tuy nhiên, ngoài những video giáo dục, truyền cảm hứng, thì tồn tại rất nhiều các video có nội dung sai lệch, ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi của giới trẻ hiện nay.
Việc câu tương tác bằng những nội dung độc hại, tiêu cực, đi ngược lại với giá trị đạo đức xã hội đã không phải là chuyện mới mẻ nhưng vẫn luôn thu hút sự quan tâm của mọi người. Nhiều người dùng mạng chọn sáng tạo nội dung “bẩn”, gây sốc, thậm chí là lệnh lạc, miễn sao có thể thu hút lượng người xem. Mặc dù, TIKTOK đã có những chính sách khắt khe hơn nhằm hạn chế những video trên. Nhưng thực trạng cho thấy, những video này không giảm đi mà còn có dấu hiệu gia tăng. Bởi người xem luôn bị kích thích và tò mò về nội dung của các video này. Điều này dẫn đến lượng tương tác tăng cao và vô hình chung đã biến các video trên trở thành xu hướng trên không gian mạng.
Mới đây nhất, chủ tài khoản TIKTOK Nờ Ô Nô đã vấp phải làn sóng chỉ trích của cư dân mạng. Đây không phải lần đầu tiên, tiktoker này gây ra tranh cãi. Các đoạn video ngắn được đăng tải kèm những lời nói, cử chỉ có phần phản cảm của Nờ Ô Nô đã bị phần đông cộng đồng mạng lên án. Vụ việc này đã khiến cho hình ảnh của các TIKTOKer bị gắn nhãn với hình ảnh không tích cực.
Được biết, Tiktoker này là một cái tên đã quen thuộc với người dùng mạng xã hội Tiktok. Với các nội dung review đồ ăn “lạ”, từ ngữ diễn tả có phần thái quá và phản cảm. Thời gian gần đây nhất, Nờ Ô Nô đã cho ra mắt chuỗi video với tên gọi “Người nghèo ăn gì – Nờ Ô Nô cho ăn đó”. Cụ thể, với danh nghĩa làm từ thiện, video sẽ xoay quanh việc hỏi thăm những người vô gia cư thích ăn món gì thì sẽ mua món ăn đó để tặng cho họ. Tuy nhiên, điều đáng nói là xuyên suốt các đoạn video được Nờ Ô Nô đăng tải, Tiktoker này lại sử dụng những từ ngữ mang tính miệt thị, khó nghe nhằm gây sự chú ý từ người xem.
Đỉnh điểm là video được đăng tải vào ngày 25/11, nam Tiktoker này đã dùng những từ ngữ phản cảm, khiếm nhã như “ Hello bà già nghèo khổ giữa trời đông cô đơn”; “nghèo mà còn chê đồ ăn”; hay “bớt nghèo lại đi nha, không ai giúp hoài đâu”. Ngay sau khi được đăng tải, video này đã thu hút rất nhiều ý kiến trái chiều của cộng đồng mạng. Cư dân mạng đã lên án hành vi của Tiktoker này và cho rằng Nờ Ô Nô đang có thái độ bỡn cợt, lời lẽ miệt thị với những người già, người có hoàn cảnh khó khăn, được xem là đối tượng yếu thế trong xã hội. Video này là “giọt nước tràn ly”, khiến cộng đồng vô cùng bức xúc và đã tạo nên cuộc tẩy chay vô cùng lớn với Tiktoker này.
Tiktoker Nờ Ô Nô sau đó đã giải thích rằng mình là người có tâm từ thiện trong sáng, chỉ mong muốn chọc cười người khác bằng hành vi và lời nói như vậy. Tuy nhiên, việc đem phẩm giá và giá trị của người khác ra làm trò cười cho thấy nhận thức, đạo đức và giá trị văn hóa của chính người sáng tạo nội dung cũng đang có vấn đề. Trước áp lực của dư luận, tài khoản của Tiktoker này đã chuyển sang trạng thái riêng tư và ẩn toàn bộ video vào ngày 27/11. Nhiều người dùng sau đó đã gửi báo cáo vi phạm của tài khoản này đến Tiktok. Và hơn hai ngày sau, ngày 28/11, nền tảng mạng xã hội triệu người dùng Tiktok đã chính thức đưa ra lệnh cấm vĩnh viễn đối với tài khoản Tiktok “Nờ Ô Nô”.
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công An TP.HCM đã phối hợp với Sở thông tin và truyền thông thành phố mời làm việc ông Phạm Đức Tuấn (Chủ kênh Tiktok “Nờ Ô Nô”) về hành vi “Cung cấp chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự nhân phẩm của cá nhân”. Tại buổi làm việc, ông Tuấn cũng đã thừa nhận việc sử dụng tài khoản Tiktok cá nhân (với hơn 670.000 lượt theo dõi) đăng tải nhiều clip về hoạt động từ thiện có từ ngữ miệt thị, gây bức xúc trong dư luận. Tiktoker cam kết không tái phạm và chấp hành việc xử phạt của cơ quan chức năng theo đúng quy định pháp luật.
Chủ kênh Tiktok này cũng lên tiếng xin lỗi những người đã bị ảnh hưởng do các video mà mình đăng tải, thể hiện thái độ nhận lỗi và mong muốn được tha thức cho các sai phạm của bản thân. Sau buổi làm việc, kết luận Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông thành phố đã lập biên bản, đồng thời rra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền 7.500.000 đồng. Đây là mức xử phạt tương đối thấp so với những gì mà Tiktoker này nhận được từ các video clip đăng tải. Song đây cũng là hồi chuông cảnh báo cho các tài khoản mạng xã hội khác về việc buộc phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, chuẩn mực đạo đức xã hội, cũng như bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng.
Thực tế, vẫn còn rất nhiều video chứa nội dung lệch lạc, kỳ thị, xâm phạm người khác trên mạng xã hội. Những người dùng mạng xã hội đa phần là người trẻ, đặc biệt là lứa tuổi từ 13 đến dưới 18 tuổi. Việc chịu ảnh hưởng từ các video này có thể tác động đến tâm lý, cũng như điều hướng hành động của trẻ nhỏ là hoàn toàn bình thường. Vì vậy, chính các nền tảng mạng xã hội phải đặt ra chính sách bảo vệ tiêu chuẩn chung cho cộng đồng, phải có những quy định khắt khe hơn để loại bỏ những video mang tính chất suy đồi, tiêu cực và lệch lạc này. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần phải có tiếng nói trong việc đảm bảo an toàn không gian mạng, ngoại trừ việc phạt hành chính, cần phải có các biện pháp giáo dục mang tính răn đe và phòng ngừa cho xã hội.